VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 17 VĂN HÓA DÂN TỘC MÔNG

            Hôn nhân gia đình:

          HôTrong phong tục cưới hỏi của người Mông tục bói số hợp vợ, hợp chồng là một khâu hết sức quan trọng, việc này quyết định cho sự thành hôn hay không của đôi trai gái trẻ. Qua khâu nắm bắt thông tin người con gái được người nhà trai chấp nhận thì nhà trai tiến hành làm thủ tục bói số để đoán biết số mệnh của cô dâu tương lai và con trai nhà mình có hợp số mệnh không? Có sống được cả đời tới khi già không?

          Tục bói số vợ chồng của vùng người Mông có hai hình thức khác nhau.Hình thức thứ nhất bói bằng hương:Khi bói người cha hay mẹ của con trai lấy ba nén hương đốt cháy sẵn ra đứng chính giữa ngoài cửa chính đọc lời cầu khấn với ma trời, ma đất, đọc ngày tháng năm sinh, con gái thứ mấy của nhà gái với con trai nhà mình sau đó quay vào trong nhà đứng tại cột ma chính đọc lời cầu khấn một lần nữa, đọc xong họ cắm cả ba nén hương xuống gốc cột ma chính, họ theo dõi và đoán biết kết quả tốt xấu qua quá trình cháy của ba nén hương đó nếu ba nén hương cháy đều nhau đến hết là được. Nếu có một nén hương cháy ở độ cao hơn, hai nén cháy thấp hơn đều nhau là rất tốt nó biểu hiện nén hương cháy cao hơn là cha mẹ trụ cột gia đình, còn hai nén cháy thấp đều nhau là cô dâu, chú rể tâm đầu ý hợp sau này hai vợ chồng sẽ có lối sống kỷ cương, kính trên nhường dưới, sống lâu tới đầu bạc răng long… Cả ba nén hương cháy không đều nhau là xấu. Hình thức thứ hai bói bằng con gà: khi bói người ta bắt một con gà con tầm bẩy tám lạng hay một cân cùng với ba nén hương người cha hay mẹ bói đều được, người bói cầm con gà và hương đốt cháy sẵn ra đứng chính giữa ngoài cửa chính đọc lời cầu khấn như đã nêu trên sau đó vào trong nhà đứng trước cột ma chính đọc lời cầu khấn như trên xong, người bói cắm ba nén hương xuống chân cột ma chính. Họ đem con gà bói đó cắt tiết tại trung tâm gian nhà chính thường thờ cúng tổ tiên khi con gà gần chết họ thả con gà xuống đất con gà dẫy nảy tứ tung, khi chết hẳn đầu quay về phía nào cũng được. Cách xem và đoán nhận biết biểu hiện tốt xấu: người bói thấy con gà chết quay đầu về hướng đông và hướng bắc họ cho là tốt, họ cho rằng nó biểu hiện ba điều tốt như sau:

          Điều thứ nhất: Nếu lấy là được người con gái đó sẽ đồng ý về làm dâu nhà mình không có ai cản trở, hồn vía nó đã về rồi.

          Điều thứ hai: Hai đứa con trai, con dâu có sự hướng thiện về phía ánh sáng mặt trời, đường đời sáng lạng trong tương lai.

          Điều thứ ba: Hai đứa đều có tính tôn ti trật tự tôn trọng bề trên quan tâm tổ tiên. Nếu con gà đó chết quay đầu về hướng tây, nam là biểu hiện không tốt.        Theo quan điểm của người Hmông thì hướng tây là hướng tối, hướng nam là hướng tụt. Nếu biểu hiện như vậy thì việc cưới hỏi sẽ không được thực hiện.Qua việc tìm hiểu nắm bắt thông tin trên đi đôi với một trong hai tục bói số hợp vợ, chồng trên đây nhà trai cảm thấy hợp số mệnh giữa con trai nhà mình với người yêu thì các bước tổ chức sẽ được triển khai tiếp theo.

          Truyền thống người Mông vốn rất tôn trọng nhau, nhất là phái nam tôn trọng phái nữ gần như mẫu hệ, phụ chủ đã ăn sâu vào tiềm thức con người nơi đây. Trong cuộc sống đời thường cái gì to cũng là của người mẹ kể từ chức quan, nhà cửa, ruộng nương… Ngược lại người mẹ, người vợ rất thương người cha, người chồng. Những hình ảnh người đàn ông say rượu nằm ngủ cạnh đường người phụ nữ cầm ô che nắng, tay dắt ngựa chở chồng về bản là một hình tượng đẹp chỉ có ở người Mông. Trong cưới hỏi người con gái được tôn trọng hơn, từ danh giá nhân phẩm cho đến đức tính quý phái của chị em với tính cách thương người thẳng thắn cương trực và tốt bụng của những chàng trai người Mông, hiện tượng yêu đương lăng nhăng, ly hôn ít xảy ra ở vùng người Mông. Biểu hiện sự kết hôn luôn bền chặt, ít khi bịũáo trộn.

          Tục kéo vợ là một biểu hiện rõ nét người Mông thường dùng từ kéo cô dâu hay kéo vợ. Trong cuộc sống mặc dù đôi trai gái yêu nhau đắm đuối, từng thề thốt cùng chung sống với nhau cả đời, lúc lấy nhau thật cũng phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về nhà chồng, không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng cả, ý nghĩa chính của việc kéo vợ thể hiện sự danh giá của người con gái qua ba nghĩa chính:

          - Thứ nhất: Cô gái không bị xã hội đánh giá thấp hèn cam chịu chay theo con trai một cách mù quáng hạ thấp mình để hầu hạ nhà trai.

          - Thứ hai: Người con trai thực sự cần lấy cô gái làm vợ thật với thiên chức của người mẹ mới tổ chức kéo vợ, thể hiện thái độ rõ ràng cụ thể.

          - Thứ ba: Tránh sự đồn thổi tai tiếng xấu của xã hội và sự ngược đãi sau này của người chồng và người nhà trai.

          * Chuẩn bị đi kéo vợ: Khi đã được nhà trai cho phép con trai được lấy vợ, cả nhà tập trung cùng lo, cho người đi mời phù dâu, phù rể, cô chú cùng đi giúp kéo vợ, đoàn người kéo vợ thường có ít nhất 5 người chính thức và một số người khác phụ giúp. Một cô gái trẻ chưa có chồng khác họ nhà trai làm phù dâu, một chàng trai khác họ với nhà trai chưa có vợ làm phù rể, một người anh hoặc bác ruột có hiểu biết cầm trịch, và chú rể chồng của cô dâu, một người thường là bà cô hay bà dì đại diện mẹ chú rể với một số bạn trai trẻ biết cách kéo vợ đi giúp chàng trai kéo vợ. Tiêu chí những người được chọn tham gia đoàn người kéo vợ gồm 03 tiêu chí chính:

          -Thứ nhất: Phù dâu, phù rể phải là người chưa có chồng, chưa có vợ, có lối sống đạo đức tốt, kính trên, nhường dưới, nói năng nhẹ nhàng có hiểu biết.

          - Thứ hai: Người cầm trịch và người nữ đại diện cho nhà trai là những người có vợ chồng, con cái đầy đủ (không hoá vợ, hoá chồng), làm ăn phát đạt sống có uy tín với bản làng.

          - Thứ ba: Tất cả số người này phải biết cách kéo vợ, bởi cách kéo vợ của người Hmông là cả nghệ thuật sống thực sự, chính cô gái bị kéo là người chịu ảnh hưởng lớn, nếu không biết cách kéo, khi kéo sẽ bị sứt đầu mẻ chán làm đau đớn cho người bị kéo, khi đôi co với người thân và cô gái bên nhà gái.

          Trước khi đi cả đoàn người hội ý thống nhất, khi đi chia theo tốp để tránh sự nghi ngờ của người khác. Con trai và phù rể đi trước, phù dâu và người đại diện mẹ nhà trai theo sau, người đàn ông cầm trịch nhà trai và tốp con trai đi kéo hộ đi sau cùng. Khi tới điểm hẹn nhà trai bố trí sẵn cho con trai mình hẹn gặp người yêu đến cùng tâm sự tại một địa điểm thuận lợi như đón đường nhà gái đi làm, đi chợ hay đi chơi xuân ngày tết… Mọi người nấp vào các bụi rậm hai bên đường để lại chàng trai và phù rể dạo bộ để đón gặp bạn gái, khi thấy người yêu xuất hiện thì chàng trai chủ động chào hỏi tán tỉnh giữ chân cô gái lại nói chuyện một lúc để cô gái không đề phòng nữa.

          - Bắt đầu kéo: Chàng trai tán tỉnh cô gái một lúc thấy thuận lợi, chàng trai tóm lấy tay cô gái nói: Lần này ta kéo nàng về làm vợ ta đây. Nói xong chàng trai giữ chặt lấy người yêu lại, những người kéo giúp sám vào hai người biết kéo tì vai vào nách cô gái, quẳng hai cánh tay vào vai của hai người kéo giữ chặt lại cứ thế nhấc bổng cô gái lên mà chạy về nhà chồng, kéo kiểu này là người biết cách kéo, không gây thương tích cho người bị kéo, chân người bị kéo không chạm đất, không có lực giằng co, không đánh trả được, mồm không thể cắn ai được. Hai người kéo cô gái đi một quãng xa thấy mệt thì hạ cô gái xuống và giữ chặt, hai người khác đến thay thế và đưa cô gái về đến nhà trai.

          Nếu như gặp phải sự phản ứng gay gắt của người nhà gái thì hội kéo cứ thế  kéo cô dâu đi, để lại người cầm trịch hát đối đáp với người nhà gái, chú rể ở lại với người cầm trịch để tạ lỗi với người nhà gái, phù dâu, phù rể cùng cô dâu về nhà trước. Khi về đến gần nhà trai, đoàn người kéo vợ cử một người chạy trước về báo với những người chờ sẵn trong nhà như bố, mẹ hay các cô, chú của chú rể bắt một đôi gà, một gà mái tơ, một gà trống chưa gáy đợi sẵn ở cửa chính khi đoàn người kéo cô dâu về đến đó thì người đó làm lý gọi hồn. Lúc đoàn người về đến cửa thì chưa vội đưa cô dâu vào nhà, người ta giữ cô dâu, chú rể ở ngoài cửa chính, người làm lý đốt ba nén hương tay cầm đôi gà huơ huơ chân, cào cào từ đầu đến chân cô dâu, chú rể lẩm bẩm gọi hồn, xong xuôi mang gà mổ thịt làm cơm tiếp đãi đoàn người đi giúp kéo cô dâu. Trong bữa cơm này nhà trai mời một người có hiểu biết cùng ăn cơm, sau đó giúp nhà trai sang nhà gái báo tin cho nhà gái biết, nhà trai đã kéo được con gái họ về làm dâu nhà trai. Nhà trai mang lễ vật báo tin là một gói thuốc lá tự trồng, một sừng trâu rượu. Khi người báo tin đến nhà gái, nhà gái đi mời ông bác hay chú đến nhà đại diện cho nhà gái tiếp người báo tin. Người báo tin mời thuốc, mời rượu cho người đại diện nhà gái và cả những người có mặt trong nhà gái xong, người báo tin chính thức rót hai chén rượu đưa cho người đại diện nhà gái và dạm hỏi lễ vật mà nhà gái cần thách và thời gian để làm lễ cưới. Khi đã được nhà gái công bố các lễ vật xong, người báo tin về nhà trai báo lại toàn bộ sự việc các loại lễ vật cho nhà trai, thời gian để hai bên tổ chức lễ cưới.

          Từ khi kéo được cô dâu về, nhà trai bố trí cô dâu và phù dâu ngủ chung ba đêm, sáng thư ba giã bánh dầy đưa cô dâu về nhà lấy đồ thay. Đoàn người đi sang nhà cô dâu lấy đồ gồm cô dâu, chú rể, phù dâu, cha hay mẹ chú rể, khi đến nhà gái chú rể phải quỳ lậy tất cả các thành viên nhà gái để làm quen. Nhà gái tổ chức bữa cơm tiếp đãi nhà trai, tại bữa cơm này người đại diện nhà gái bà dì hay bà cô hỏi cô gái thật kỹ có thể chung sống cả đời với nhà trai được không? Khi đến nhà gái, cô gái vui vẻ trả lời và đồng ý về làm dâu nhà trai. Thấy vậy nhà gái yên tâm dọn đồ tư trang của cô gái cho cầm về nhà chồng bắt đầu một cuộc sống mới được ăn nằm chung như vợ chồng thật, mọi việc chuẩn bị cho đám cưới bắt đầu. Nếu như vừa đến nhà gái người con gái buồn rầu, khóc lóc van xin cha mẹ không muốn về nhà trai thì hôn nhân chấm rứt từ đó.

          Việc làm này gần như tạo điều kiện cho cô dâu tương lai được về sống thử với nhà trai trong thời gian ba ngày, nếu qua cảm nhận trong ba ngày đó được cô dâu chấp thuận thì cuộc sống làm dâu được chính thức bắt đầu diễn ra, nếu không coi như đã chấm dứt.

          Qua việc lấy đồ thay, nếu cô dâu vui vẻ về với chú rể thì nhà trai chuẩn bị các lễ vật tổ chức lễ cưới cho đôi bạn trẻ qua việc thách lễ vật cưới của nhà gái thường thì lễ vật gồm:

          - Lợn: 01 con 50 kg

          - Rượu: 40 lít rượu nấu bằng thóc hay ngô

          - Tiền: Hai triệu đồng tiền mặt

          - Gà: 04 con luộc chín

          - Thìa gỗ: 02 cái, một túi xôi to để ăn trưa

          - Một ít thuốc lá tự trồng, một số tiền đề phòng phát sinh.

          Vào mùa đông – xuân chọn ngày thìn và các ngày khác trong tuần tuỳ theo sở thích của nhà trai, nhưng thường thì người ta trừ ngày lập xuân của năm đó (ngày có tiếng sấm đầu tiên của năm) và các ngày con giáp có tính độc ác như ngày dần, thân, ngọ… Các ngày mất của người thân trong hai nhà trai và gái.

          Vào mùa hè – thu thường bỏ ngày thìn. Người Mông cho rằng vào mùa này rồng hay tác oai, tác quái làm mưa làm gió, đám cưới chọn ngày này vợ chồng trẻ sống với nhau hay bị đảo lộn cuộc sống.

          Ban tổ chức lễ cướigồm có:

          * Bên nhà trai gồm có:

          - Một ông Trưởng ban người Mông

          - Một ông phó ban người Mông

          - Chú rể;

          - Cô dâu;

          - Một cô phù dâu;

          - Một anh phù rể;

          - Một người dắt lợn một người thồ rượu, hai người này gọi là khách chuyển giao lễ vật (kruô xang tsax).

          Ngoài ra còn có người cha của chú rể đại diện chính cho nhà trai.

          * Bên nhà gái gồm có:Hai ông trưởng, phó ban như nhà trai, một ông quan làng làm nhiệm vụ giữ trật tự đám cưới, những người thân quen hàng xóm láng giềng.

          - Tại nhà trai:

          Trước khi chuẩn bị đi sang nhà gái, nhà trai làm bữa cơm tiếp đãi những người trên, sau khi ăn cơm sáng xong, người nào vào việc nấy, người trưởng ban tổ chức đi trước, đến người phó ban, chú rể, cô dâu, phù rể, phù dâu sau đó là người dắt lợn, thồ rượu, đi đến nửa quãng đường mọi người chọn chỗ nghỉ ăn trưa lấy gà, xôi bẻ chia cho mỗi người một miếng thịt và nắm xôi ăn. Trước khi ăn ông trưởng ban tổ chức (Txir tuôv minhx cungz) làm lý đánh đuổi ma tà để cho mọi người đi đến nơi về đến chốn, để cho hai vợ chồng sau này không bị tà ma quấy rối để cho cha mẹ và cô dâu, chú rể sống hoà hợp. Sau khi ăn xong mọi người lại lên đường đi sang nhà gái, đây là một thủ tục trừ tà ma trong đám cưới mà đám cưới nào khi đi cũng làm, về cũng làm, không được bỏ qua.

          - Đến nhà gái:

          Đoàn người nhà trai đến nhà gái đều phải đi qua cửa chính, trưởng phó ban nhà trai vào trước, đeo sừng trâu rượu và ô vào treo đúng cột ma chính trong nhà gái, đầu sừng rượu quay vào trong, tiếp đến hai người chuyển lễ vật, tiếp đến cô dâu, chú rể và đến mọi người, khi ngồi yên vị, hai bên nhà trai, nhà gái mời thuốc, mời rượu nhau xong. Hai ông trưởng, phó ban nhà trai bắt đầu câu chuyện với hai ông trưởng, phó ban nhà gái, mở đầu câu chuyện, hai ông xin chén của nhà gái uống rượu tiếp theo kiểm chứng và bàn giao lễ vật mà bên nhà gái đã thách, định sẵn cho nhà trai từ trước, nếu mọi lễ vật đủ cả số lượng và chất lượng xong, sau khi giao đủ lễ vật cho hai ông trưởng, phó ban tổ chức nhà gái thì lễ cưới được tổ chức ngay. Nếu qua kiểm chứng mà lễ vật không đầy đủ thì hai bên bàn bạc gia hạn trả đủ. Gặp phải trường hợp này thì lễ cưới kéo dài thời gian hơn.

          Sau khi giao lễ vật cho nhà gái, hai ông ban tổ chức nhà gái giao cho những người giúp việc mang lợn đi mổ thịt, lễ cưới được thực hiện

           Ăn uống:

          Trong đám cưới người Mông thường lệ có một số kiêng kỵ nhằm tránh những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống sau này của hai vợ chồng trẻ:

          Thứ nhất:Khi nấu nướng đồ ăn không được để gáo múc nước trong thùng nước bởi như vậy khi múc nước sóng hay xô đẩy gáo hay xoay tít sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hai vợ chồng sau này cứ loanh quanh chỗ này, chỗ nọ không ở được nơi nào cố định, cuộc sống sẽ khó khăn vất vả.

          Thứ hai:Khi bầy đồ ăn lên mâm cưới không nên làm rơi vỡ bát, chén đũa thìa bởi vô tình như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống vợ chồng trẻ sau này, sống nửa chừng đang yên đang lành thì đùng cái thì chết vợ hoặc chết chồng. Nhẹ cũng gẫy chân, gẫy tay, cuộc sống đen đủi.

          Thứ ba:Không ăn muối tiêu ớt, nếu ăn muối cuộc đời sau này sẽ gặp sót xa, ăn tiêu ớt cuộc đời sẽ gặp đắng cay. Chính vì bảo vệ cuộc sống cho cô dâu, chú rể cả cuộc đời sau này được yên vui bền vững việc kiêng kỵ rất quan trọng nên mỗi khi tổ chức nhà trai phải bàn với nhà gái rất kỹ để chọn ra một người giỏi dang ngăn nắp đứng ra quản lý những người tham gia nấu nướng đò ăn một cách thận trọng.

          Khi thịt chín, trước tiên họ bầy mâm múc ra mỗi thứ một ít thịt ở các tạng phủ của con lợn cưới bầy lên trên đó cho ông chủ nhà gái khấn thờ tổ tiên, sau đó mới bầy cỗ.

          Về loại mâm, trong đám cưới người Mông, người ta phân ra hai loại mâm, loại mâm chính khách dành cho đàn ông thường có đặt danh như các ông trưởng, phó ban tổ chức của hai bên, quan làng, các vai vế có danh khác thường được bầy trước bàn thờ tổ tiên, thường sắp xếp chỗ ngồi từ cao xuống thấp, từ đông sang tây… Loại mâm phụ thường dành cho những người nữ chính khách hai bên và số khách tới dự bình thường bầy chỗ nào cũng được.

          Về cách bầy mâm chính và quy định chỗ ngồi, trong đám cưới của người Mông thường bầy mâm cơm chính theo chiều dài ngôi nhà, trong gian giữa hướng Đông Tây, người ta kê một dãy bàn dài để bầy thức ăn người ngồi xung quanh như hình chữ nhật. Bên đầu mâm phía Đông sát tả ly trong nhà là chỗ ngồi của bố cô dâu, cạnh bên trái phía cửa là chỗ ngồi của bố chú rể, chỗ giáp tả ly dương phía trong bàn thờ là chỗ của ông trưởng ban tổ chức bên nhà gái tiếp là ông quan làng và anh em nhà gái. Hàng ghế sát ngoài cửa chính bên tả ly âm là ông trưởng phó ban nhà trai, chú rể, phù rể và người đưa lễ vật. Sau khi ổn định chỗ ngồi người ta bầy chén, bát đĩa theo số người ngồi trên mâm, còn lại người ta sắp xếp bầy các mâm phụ ở các gian nhà khác sao cho hết chỗ khách đến dự đám cưới. Trong truyền thống của người Mông, người ta bố trí nam, nữ ăn riêng, do vậy ngoài mâm chính khách ra, người ta bầy mâm chính khác cho nữ chính khách của hai nhà trai gái ở gian bếp lò, do chị em không phải thờ cúng tổ tiên không nhất thiết phải ăn cơm trước bàn thờ tổ tiên.

          Theo lệ làng người Mông thường quy định uống rượu ăn cỗ phải cân bằng nên cần có người điều hành, nếu không việc uống giả dối người uống cạn, người không, nếu không cẩn thận thì khách sẽ bị đói khát do việc giữ ý xấu hổ…Gia chủ sẽ bị mang tiếng không quan tâm đến mọi người. Do đó người Mông có câu cơm có ngon hay không cũng phải ăn ba bát, rượu có ngon hay không cũng phải uống ba chén, đất có tốt hay không cũng phải ở ba năm.

          Khi làm món ăn người ta lấy các bộ phận tạng phủ của con lợn đem nấu riêng từng món khi bày đầy đủ các món lên mâm, người ta cử hai người làm nhiệm vụ rót rượu và điều hành ăn uống tên gọi: Người cầm bằng (tuz tuôr tax), mọi việc xong xuôi hai người này công bố bữa ăn đã được. Lúc này ông quan làng đứng lên trịnh trọng tuyên bố bữa tiệc được tiến hành, ăn uống phải nghiêm túc không được lợi dụng rượu say sách nhiễu…

          Bốn ông chủ hôn đứng lên làm lý cảm ơn nhau, mời nhau uống rượu, mời nhau thức ăn, khi ăn hai người cầm bằng luôn đi lại sau lưng của khách, kiểm tra chén, bát lần lượt từ hai ông bố đến hết mọi người trên mâm, thấy trong chén người nào hết rượu, trong bát hết thịt thì rót tiếp lần thứ hai, chén ai còn ít rượu, bát còn ít thịt thì họ rót đầy rượu, gắp đầy thịt bắt phải ăn uống hết mới được rót tiếp. Sau ba lượt chén uống rượu ông chủ hôn nhà trai xin phép cả mâm cho chú rể và phù rể làm lý tạ ơn những người đến dự đám cưới. Nhà gái lấy một chiếc chiếu trải trước cửa chính chú rể và phù rể đứng cạnh chiếu hướng vào mâm cơm chính khách và bàn thờ nhà gái khi chủ hôn đọc lời: Cùng tổ tiên ma nhà lạy một lạy, lúc này chú rể, phù rể quỳ lạy một lần, đọc tiếp vế hai: Lại nhận diện, hai người lạy một lần. Việc này diễn ra hết những người có danh vế trong đám thì mọi người ăn cơm, sau bữa cơm số người nhà trai chuẩn bị ra về. Lúc này cả đám cưới rộn vang tiếng nói tiếng cười hát hò đưa đón dâu. Các anh em trai bên nhà gái thì ai cũng cầm bầu rượu, chén chúc trong tay nhằm làm quen và chúc mừng cho chú rể qua những bài hát đối đáp say đắm. Chị em phụ nữ cũng không kém, người nào cũng má hây hây đỏ tay cầm bầu rượu đi chúc mừng cô dâu. Bước tiếp theo là uống rượu thích (tới) nhà gái bố trí nam thanh nữ tú chưa vợ chưa chồng mỗi người một bầu rượu để uống với những người cùng trang lứa bên nhà trai. Những ông cụ bà cụ bảy tám mươi tuổi cũng cầm chén rượu thủ thỉ cất lên những câu hát thời còn trẻ. Cả đám cưới biến thành một cuộc đua tài ca hát của nhiều đối tượng khác nhau như một hội hát thực thụ, một cơ hội gặp gỡ làm quen kẽo dài mãi không ngừng.

          Lúc này đòi hỏi chủ hôn và nhà trai giỏi hát đối đáp mới nhanh thoát khỏi nhà gái. Khi về đến nhà trai, những người khá giả thì tổ chức đám cưới lần thứ hai tại nhà trai việc tổ chức này chỉ mang ý nghĩa thiết thết đãi cảm ơn những người giúp việc, mọi thủ tục không nhiều nên còn tuỳ thuộc vào từng gia chủ với hoàn cảnh cụ thể.

         . Múa khèn:

          Dân tộc Mông có điệu múa nổi tiếng nhất là múa khèn. Tiếng khèn và những điệu múa khèn mang nhiều sắc thái tình cảm, văn hoá rất độc đáo. Cái khèn là người bạn tâm tình của người H’Mông, nó đã ăn sâu vào từng phong tục, nếp sống của người H’Mông. Tài năng của người múa thể hiện ở chỗ họ vừa thổi khèn vừa múa. Điệu múa cho thấy sự khỏe mạnh, khéo léo của người múa. Họ có thể quay, lăn lộn, nằm, múa… mà vẫn không hề ngừng thổi những bài khèn làm say lòng người. Nhìn người múa khèn khéo léo trình diễn những điệu múa hết sức phức tạp, nhanh nhẹn như một diễn viên xiếc mà vẫn không rời chiếc khèn và bài khèn mới thấy sự tài năng của họ.

Điệu khèn và bạn tình

          Lễ hội truyền thống:

          Ngoài lễ tết thông thường và các nghi lễ trong đời sống, người Mông đặc biệt thích "Hội Gầu Tào". Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng bên cạnh phần lễ, phần hội còn bộc lộ rõ bản sắc văn hoá dân tộc qua các sinh hoạt cộng đồng. Đây là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông, với mục đích là cúng tạ trời đất đã ban cho thôn bản, dòng họ, gia đình, sức khoẻ. Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là chơi ngoài trời, còn gọi là đạp núi. Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông được tổ chức theo hình thức luân phiên. Hàng năm, người Mông đều họp và chọn một gia đình trong cộng đồng chịu trách nhiệm đứng gia tổ chức. Được thay mặt cộng đồng người Mông tổ chức hội Gầu Tào là một niềm vinh dự lớn của bất cứ gia đình, dòng họ nào trong làng bản. Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân hay những dịp nông nhàn được tổ chức trên một bãi đất rộng quanh làng, hay một nương ngô đã thu hoạch xong. Trước ngày hội Trưởng bản thông báo cho các hộ gia đình trong bản biết và thông báo cho các hộ gia đình các dân tộc khác cùng sống trong khu vực đến tham gia ngày hội với dân bản.Từ sáng sớm người dân trong bản đều mặc bộ trang phục truyền thống mới nhất của mình, người con gái mang ô, người con trai mang khèn đến tập trung ở khu vực diễn ra lễ hội cùng biểu diễn thi tài.

          Hội Gầu Tào gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội.

          Phần lễ được bắt đầu bằng lễ dựng cây nêu:

          + Lễ dựng cây nêu:Công việc chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện suốt một năm, trong đó, tìm và dựng cây nêu là việc quan trọng nhất. Cây nêu được coi là cây thiêng của người Mông, là tín hiệu của hội hè, hạnh phúc và sự no ấm. Cây nêu phải là cây mai to, ngọn dài và có lá. Trước ngày mở hội, gia đình được chọn tổ chức và cả họ hàng tập trung dựng và trang trí thật đẹp cho cây mai ở vị trí sườn đồi nơi được chọn làm địa điểm mở hội. Trên ngọn cây nêu treo hai sải vải lanh màu đen xen lẫn màu đỏ (biểu tượng của mặt trời). Trên thân cây nêu còn treo một quả bầu đựng nước, một túm ngô giống, một bó lúa giống (biểu tượng của sự được mùa, no ấm).

          Lễ dựng câu nêu nhằm thông báo nơi mở hội bằng một cây thẳng cao vút ngọn nhằm thể hiện sức sống trường tồn của làng bản người Mông trên mảnh đất cao nguyên đá.Khi đó, thầy cúng khấn: "Hôm nay là ngày lành tháng tốt, được sự tín nhiệm của bà con dân bản tôi xin chọn địa điểm này để cắm cây nêu mở hội tại trên quả đồi này để xin phép các vị thần tổ chức mở hội Gầu Tào tại đây, cũng là thông báo cho dân bản làng xa, làng gần cùng biết đến tham sự và cũng là dịp để người người, nhà nhà đến cầu may, cầu phúc cho gia đình làng bản mình lộc nhiều phúc lớn".

          Khi cây nêu đã dựng xong: bản làng có một mâm lễ đặc dưới cây nêu để cúng thần linh và tổ tiên, trời đất.Mâm lễ gồm một thủ lợn, một đĩa xôi, một chai rượu, bốn cái bát con, bốn cái chén, bốn cái thìa. Đây là lễ vật dâng cầu vận may, sức mạnh thể hiện ở chỗ con vật bốn chân ứng với bốn vị thần trời, đất, sông, núi.Vào lễ, gia chủ đặt dưới chân cây nêu mâm lễ và khấn tạ trời đất đã cho gia đình được toại nguyện.

         Các bài cúng trong hội gầu tào gồm:

          Bài 1. Hôm nay là ngày lành tháng tốt, tôi đại diện dân làng ở khu vực thị xã Hà Giang xin khẩn cầu với trời đất, thần sông, thần núi nhờ sự che trở của các thần linh đã giúp gia đình làng bản chúng tôi nhà nhà, làng làng sức khoẻ rồi rào, làm ăn, làm mặc khấm khá, con cái khoẻ mạnh, học hành giỏi giang. Nên nay có mâm lễ này để dâng lên các vị thần linh, mời các vị thần linh về ngự tại đây để nhận các lễ vật do dân làng dâng hiến.

          Bài 2. (Mời các vong hồn) hôm nay gia đình, làng bản có mở hội gầu tào tại đây nên mời các vong hồn bốn phương về nhận lễ vật của lễ và che trở cho lễ hội diễn ra suôn xẻ gặp điều may mắn.

          Bài 3. Hôm nay tại lễ hội này, dân làng xin dâng hiến các vị thần một con vật bốn chân, cơm xôi, rượu ngô và tiền vàng, tiền bạc mời các vị đến nhận rồi phù hộ cho dân làng nhà nào cũng con cái khoẻ mạnh, học giỏi, làm ăn khấm khá và gặt hái nhiều kết quả mới.

          Sau khi phần lễ kết thúc ông già làng tuyên bố: Hôm nay làng ta tổ chức lễ hội Gầu Tào, các vị thần, ông bà tổ tiên đã về đây chứng giám cho chúng ta rồi, chúng ta hãy vui lên, các chàng trai, cô gái Mông hãy cùng nhau trổ tài, thi sức để xem ai là người bắn nỏ, cưỡi ngựa giỏi nhất, ai là người múa khèn hay nhất của bản ta bà con ơi...

          Bắt đầu phần hội - Phần này được tổ chức với nhiều trò chơi bổ ích, lý thú. Đó là những trò chơi dân gian, như đánh yến, đấu võ, bắn nỏ... còn những trò vui mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp... Hội thi là nơi để thanh niên nam nữ trổ tài và cũng chính là nơi họ gặp gỡ, tâm sự và tìm hạnh phúc cho mình. Ngày hội đến, từ sáng sớm, trên các nẻo đường, các bản làng xa gần, từng tốp nam nữ trong những bộ tả pủ, váy áo mới dệt bằng sợi lanh, náo nức xòe ô về dự hội. Trong ánh mắt, nụ cười thân ái, mở đầu là lời chúc mừng năm mới, mong mùa màng bội thu rồi không gian đầy ắp âm thanh vui nhộn của các loại nhạc cụ: khèn, sáo trúc, đàn môi, kèn lá, kèn pí lè... và tiếng hát giao duyên. Cùng với tiếng khèn khi vui tươi rộn rã, lúc dồn dập như lời tỏ tình bỏng cháy của những chàng trai, là nhịp điệu múa ô trữ tình của các thiếu nữ. Những chiếc ô sặc sỡ, lay động, xoay tròn, những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng, dập dìu như một sự đáp lại, gắn quyện của tình yêu. Không thể thiếu được trong hội Gầu Tào là những cuộc hát đối đáp. Có nhiều tốp nam và tốp nữ ngồi sau những tảng đá hoặc đứng cách nhau một khoảng đủ xa để hát đối đáp với nhau. Phương tiện để hát đối đáp là những chiếc ống bơ, có màng bịt bằng lá mo cây mai, được nối với nhau bằng sợi lanh xe thành chỉ nhỏ, chuốt óng bằng sáp ong. Hát đối đáp nam nữ là một trong những hình thức vui chơi đặc sắc, trữ tình.

Múa Mông gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần đồng bào Mông         

          Là một lễ hội lớn, một sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, hội Gầu Tào thực sự hẫp dẫn. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông.Lễ hội Gầu Tào còn là một phương tiện để củng cố phát triển mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các gia đình hay các cộng đồng làng bản để thắt chặt tình đoàn kết. Lễ hội góp phần làm cho diện mạo của đời sống văn hoá Mông thêm sinh động, đa dạng và là nguồn lực thúc đẩy tinh thần dân tộc Mông nói riêng và tinh thần nhân dân các dân tộc vùng cao nói chung.

 

Người Mông ngày hội

Hết văn hóa người Mông

Liên kết web :
Đang online : 5
Hôm nay : 59
Tháng hiện tại : 10650
Tổng lượt truy cập : 1391290